Cho con đi du học đâu chỉ có GPA và IELTS

March 22, 2024

Trùng hợp sao tuần này mình gặp 2 trường hợp Phụ huynh có con đang đi du học...

Trùng hợp sao tuần này mình gặp 2 trường hợp Phụ huynh có con đang đi du học liên hệ mình để hỏi về thủ tục cho con đi về nước nghỉ 1-2 kì rồi quay lại.

Càng đi sâu tìm hiểu thì lý do chính là các bạn đó bị trầm cảm bị cô đơn bị tủi thân, bị kì thị chủng tộc và mơ ước lớn nhất là được về nhà.

Là người làm cha mẹ hiển nhiên thấy con chúng ta cần chúng ta như thế, yếu đuối như thế thì phải NGAY LẬP TỨC đưa con về nhà, học hành thi cử, visa, quy định gì tính sao.

Rồi về Việt Nam rồi thì sao? Làm gì tiếp theo?

Rồi tự hỏi ôi mình đáp ứng mọi yêu cầu về thủ tục visa, mình giàu có về năng lực tài chính, con mình điểm GPA trên 8,0 và IELTS luôn trên 6,0 lại học trường chuyên lớp chọn hay trường quốc tế…Mình và con mình đã vượt qua rất nhiều khó khăn để cầm cái visa trên tay để chứng minh mình đủ năng lực nhưng sau thấy có gì đó sai sai thiếu thiếu.

Qua tình huống ở trên mình muốn nói với những bậc cha mẹ rằng khi chúng ta cho con đi du học ngoài GPA và IELTS hay tài chính là những thứ trên bề nổi để lấy visa thì hãy tập trung rèn luyện cho con Nội Lực bên trong. Mình tin rằng nội lực bên trong là thứ cực kì quan trọng để con bạn có thể học tốt và hoà nhập với môi trường quốc tế.

Việc xây dựng nội lực bên trong là một quá trình tinh thần quan trọng để giúp con bạn tự tin và vững vàng đối diện với cuộc sống và những thách thức.

Đây là vài góc nhìn của Ngân về xây dựng nội lực:

  1. Tự nhận thức: Giúp con hiểu rõ về bản thân con. Điều này bao gồm nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu, giới hạn và khả năng của con. Khi con bạn hiểu rõ bản thân mình, tụi nhỏ sẽ có cơ hội phát triển và sử dụng tối đa tiềm năng của bản.
  2. Tạo mục tiêu: Đặt ra các mục tiêu cụ thể trong cuộc sống của con. Mục tiêu giúp con bạn có hướng đi rõ ràng và tạo động lực để phấn đấu. Hãy chia mục tiêu thành các bước nhỏ hơn để dễ dàng theo dõi và đạt được. Có thể những mục tiêu nhỏ hằng ngày như thức dậy đi học đúng giờ hay đọc sách hay xa hơn đó là hỏi con xem mục tiêu của con khi đi du học là gì? Khi có mục tiêu những lúc khó khăn bạn mới có thể nói với con rằng “Ba Mẹ biết là khó khăn lắm chứ con, con muốn bỏ cuộc vậy hãy nghĩ về mục tiêu hay lý do con muốn đi du học là gì?”.
  3. Luyện tập tâm lý tích cực: Học cách duy trì tâm trạng tích cực và lạc quan. Điều này có thể thông qua việc thực hành thiền, viết nhật ký, đọc sách tích cực, hoặc thậm chí là tham gia vào các hoạt động thể thao giúp con thư giãn và cảm thấy hạnh phúc.
  4. Tự quản lý: Học cách quản lý cảm xúc và stress. Điều này bao gồm việc học cách giải quyết vấn đề, tìm kiếm hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia tâm lý. Với những học sinh đi du học từ MAY tụi mình đều cố hết sức thăm hỏi mỗi khi ngơi tay để đảm bảo rằng các em không rơi vào trường hợp quá đáng tiếc.
  5. Phát triển kỹ năng: Học cách phát triển các kỹ năng mới như thuyết trình, kỹ năng lắng nghe, phân tích… Việc thường xuyên học hỏi và phát triển kỹ năng mới không chỉ giúp con bạn trở nên tự tin hơn mà còn tạo ra cơ hội mới trong cuộc sống. Ở nước ngoài thường sẽ rất chú trọng vào phát triển kỹ năng nên hãy ủng hộ con học hỏi thêm những kỹ năng mới càng sớm càng tốt.
  6. Tạo mối quan hệ tốt: Hãy dạy con bạn xây dựng mối quan hệ tích cực và hỗ trợ. Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng có thể giúp con bạn cảm thấy an toàn và có sự ủng hộ trong những khoảnh khắc khó khăn. Khi đi du học có thể tìm đến các hội nhóm hay những người đã đi du học trước để có thể làm quen và học hỏi kinh nghiệm từ họ.
  7. Học cách tha thứ: Tha thứ là một phần quan trọng của việc xây dựng nội lực. Hãy học cách tha thứ cho người khác cũng như cho chính bản thân bạn. Điều này giúp bạn giải phóng cảm xúc tiêu cực và tập trung vào sự tiến bộ. Con không thể tránh những lần bị kì thị chủng tộc, bị đối xử bất công nhưng xã hội đâu có tạo ra sự công bằng hoàn hảo được. Hay như những lần con lỡ ngủ quên mà bị trễ kì thi con phải học được cách tha thứ cho mình thì mới có thể làm tốt cho những kì thi sau vì việc học là việc cả đời mà.
  8. Chăm sóc bản thân: Đảm bảo rằng con chúng ta có thời gian cho việc tự thưởng thức và thư giãn. Chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục, và ngủ đủ giấc đều góp phần quan trọng vào việc duy trì tinh thần mạnh mẽ. Việc này cần tạo thành thói quen từ bé.

Mình khi đi ra ngoài quan sát bọn trẻ bây giờ tâm hồn như bị nuốt chửng bởi tiktok, reels hay shorts video…Chúng như những con zoobie vô hồn chỉ ngồi xem những tin như: Mình đã kiếm 100tr mỗi tháng ra sao, mình đã bỏ đại học và thành công ra sao?….Bớt cho con bạn tiếp xúc mấy cái đó và dành thời gian chăm sóc bản thân mình để phần tâm hồn thoáng đãng dành chỗ cho mấy cái thực tế hơn.

  1. Khám phá đam mê: Tìm hiểu về những hoạt động mà con bạn yêu thích và đam mê. Điều này giúp con tìm thấy niềm vui và động lực trong cuộc sống hàng ngày ví dụ như đàn, hát, vẽ tranh, đọc sách, nghiên cứu về tài chính…Nếu được hãy truyền cho con niềm đam mê du lịch, chụp ảnh, ngôn ngữ và tìm hiểu về văn hoá – Đây là những niềm đam mê tuyệt vời giúp con vượt qua nỗi sợ xa cách và nỗi nhớ nhà trong khoảng thời gian đầu du học.
  2. Học từ thất bại: Không sợ thất bại mà hãy coi nó như một cơ hội học hỏi. Thất bại giúp bạn trưởng thành, phát triển kiến thức và kỹ năng mới, và đồng thời rèn luyện khả năng phục hồi. Từ nhỏ mỗi khi con thất bại hãy ở cạnh con, động viên con và hãy hỏi con rằng “Con học được gì từ sau thất bại này?” và “ Tiếp theo con muốn làm lại như thế nào” . Từng chút một cùng thất bại với con và cùng đứng lên với con một cách mạnh mẽ.

Mình tin rằng quá trình xây dựng nội lực là một hành trình liên tục từ khi con chỉ mới chập chững tới lúc con lớn khôn.

Mong là những góc nhìn ở trên đã cung cấp thông tin có giá trị cho anh chị.