CIVIL ENGINEERING HỌC GÌ?

June 30, 2020

Kỹ thuật dân dụng là một trong những phân nhánh kỹ thuật lâu đời nhất trong lịch sử...

CIVIL ENGINEERING LÀ GÌ?

Kỹ thuật dân dụng hay civil engineering là một trong những phân nhánh kỹ thuật lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Ở Mỹ, thuật ngữ “kỹ thuật dân dụng” ra đời từ đầu thế kỷ thứ 18 để người dân có thể phân biệt với các ngành kỹ thuật quân sự. Đúng với tên gọi của ngành nghề, công việc chính của các kỹ sư dân dụng (civil engineer) là tư vấn, thiết kế và giám sát các công trình tư nhân và công cộng như hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, cầu đường, đê đập, các tòa nhà, bến cảng, sân bay… Các kỹ sư dân dụng đảm bảo các hạng mục công trình hoàn thành một cách an toàn, đúng tiến độ và bám sát thiết kế được đưa ra. Ngành kỹ thuật dân dụng được chia ra thành năm phân nhánh chính là:

  1. Kỹ thuật môi trường (Environmental Engineering)
  2. Kỹ thuật kết cấu (Structural Engineering)
  3. Quản lý xây dựng (Construction Management)
  4. Kỹ thuật môi trường nước (Water Resources Engineering)
  5. Kỹ thuật giao thông (Traffic Engineering)

Ngoài ra còn nhiều phân nhánh kỹ thuật nhỏ hơn khác trực thuộc kỹ thuật dân dụng như kỹ thuật công trình biển (Coastal Engineering), kỹ thuật vật liệu (Material Engineering)… Kỹ thuật dân dụng rất đa dạng và liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của xây dựng.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT KỸ SƯ DÂN DỤNG?

            Để trở thành một kỹ sư chuyên nghiệp, hầu hết các kỹ sư phải hoàn tất bằng cử nhân chuyên ngành kỹ thuật dân dụng (Bachelor of Science in Civil Engineering hoặc Bachelor of Engineering). Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư có thể bắt đầu quy trình xin giấy phép để trở thành kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Engineering License). Quy trình này bao gồm việc phải thông qua hai bài thi sát hạch: FE (Fundamental of Engineering Test, PE (Professional Engineering Test) và phải có đủ bốn năm kinh nghiệm làm việc dưới sự hướng dẫn của một kỹ sư chuyên nghiệp khác. Do công việc của các kỹ sư dân dụng liên quan trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân, chính phủ của hầu hết các nước rất khắt khe trong việc cấp giấy phép cho các kỹ sư. 

 TẠI SAO BẠN NÊN CÂN NHẮC NGÀNH KỸ THUẬT DÂN DỤNG?

            Có một điều chúng ta không thể phủ nhận đó là dân số thế giới đang ngày một tăng, nhu cầu về nhà ở và cơ sở hạ tầng sẽ ngày càng lớn hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, các kỹ sư dân dụng còn chịu trách nhiệm giám sát và nâng cấp cơ sở hạ tầng khác theo định kỳ. Vì vậy, đây là một trong những ngành đang thiếu hụt nhân lực ở nhiều nước trên thế giới. Trở thành một kỹ sư chuyên nghiệp khó khăn là vậy nhưng đây là một ngành hấp dẫn đối với các sinh viên do: 

  • Mức thu nhập cao và ổn định; nhiều khoảng thưởng sau khi hoàn tất các dự án
  • Số lượng việc làm nhiều, ít cạnh tranh
  • Công việc mang tính thử thách, hay thay đổi và không nhàm chán
  • Môi trường làm việc không gò bó tù túng trong văn phòng (hầu hết các kỹ sư giành 25% – 50% thời gian ở công trường)
  • Cơ hội hợp tác làm việc với người trong nhiều lãnh vực khác như kiến trúc sư, nhà thầu, bất động sản, chủ đầu tư…Đây là cơ hội giúp các kỹ sư kết nối và học hỏi.
  • Là một công việc góp phần xây dựng xã hội đáng tự hào

CÁC SINH VIÊN SẼ HỌC GÌ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC?

            Ở trường, các sinh viên sẽ phải học chuyên sâu vào các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học vào hai năm đầu tiên. Từ năm ba cho đến khi tốt nghiệp các bạn sẽ học thêm các lớp chuyên ngành như địa chất, nhiệt động lực học, khoa học vật liệu… ngoài ra các bạn sinh viên còn phải học sử dụng các phần mềm thiết kế và tạo model như AutoCad, BIM, Revit và WaterCAD. Trong suốt bốn năm học, các sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các dự án thiết kế theo nhóm để trau dồi kỹ năng. Kỹ thuật nói chung và ngành kỹ thuật dân dụng nói riêng được đánh giá là các ngành học khó và thử thách đối với cả sinh viên trong và ngoài nước vì áp lực lớn và khối lượng bài tập nhiều. Ngành học đòi hỏi các sinh viên phải kiên trì và có vốn ngoại ngữ khá giỏi để có thể giao tiếp và diễn đạt ý tưởng của mình. 

 LIỆU KỸ THUẬT DÂN DỤNG CÓ DÀNH CHO BẠN?

            Đây là một câu hỏi được rất nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm nhưng thực tế chỉ có bản thân các bạn biết liệu ngành học có thích hợp với mình hay không. Một lời khuyên cho các bạn học sinh có hứng thú với ngành đó là các bạn hãy xin đi thực tập hoặc xin đi tham quan ở các công ty thiết kế và các công trường xây dựng để có các nhìn thực tế về môi trường làm việc của các kỹ sư dân dụng. Nếu bạn yêu thích các môn khoa học tự nhiên, không ngại thử thách hay yêu thích vẽ kỹ thuật, kỹ thuật dân dụng có thể chính là câu trả lời của bạn đấy!

Chia sẽ:
Tags: